Hỏi
Chào Bác sĩ, con gái tôi hiện nay được 15,5 tháng với cân nặng 9,9kg, cao 79cm. Lúc sinh cháu 2,9kg là một đứa bé hiếu động, nhận thức rất nhanh nhưng bé rất lười ăn. Mỗi ngày bé ăn chỉ 2 bửa cháo , mỗi bửa khoảng 1/3 chén ăn cơm ( hoặc nếu cơm nhão cũng chỉ được vài thìa) vì cháu ngậm rất lâu trong miệng; Uống 750ml sữa công thức. Tôi chỉ cho cháu ăn tối đa mỗi lần 1h và không hề ép ăn. Thấy cháu lười ăn tôi có đưa cháu đến khoa dd của NĐ2 khám và được kê rất nhiều loại thuốc bổ như: lactomin plus, bio baby, nutrozinc, neopeptin, kiddy, …. Và thêm TPCN của Cty SIM. Không biết có phải uống quá nhiều loại thuốc bổ hay không mà dạo gần đây con gái tôi đi cầu không bình thường, ngày đi khoảng 3-4 lần, phân lỏng không thành khuôn. Tôi có mang phân đi xét nghiệm ở Paster thì được kết luận là bình thường. Bs có thể tư vấn giúp tôi làm thế nào để con tôi có thể ăn ngon miệng hơn và có phải uống thuốc gì để cháu đi cầu lại bình thường không? Cám ơn Bác sĩ nhiều.
Bác sĩ trả lời
Chào bạn,
Bác sĩ xin được giải đáp câu hỏi “Bé biếng ăn chậm tăng cân” như sau:
Những loại thuốc con chị được kê đơn là vitamin, kẽm và men vi sinh, men tiêu hóa, như vậy đã có tác dụng giúp cho đường ruột ổn định. Tuy nhiên việc dùng thuốc nào, phối hợp như thế nào phải do bác sĩ thăm khám và quyết định, tùy theo tình trạng bệnh và thể trạng của bé. Thuốc bổ chỉ nhằm mục đích bổ sung các chất bé còn thiếu và nâng cao thể trạng chứ không nhằm kích thích ăn. Ở khoa dinh dưỡng thường có bổ sung 2 loại thực phẩm hỗ trợ điều trị, không phải là thực phẩm chức năng. Tùy theo nhu cầu của bệnh nhân mà có chỉ định dùng loại nào và liều lượng nào là thích hợp. Ví dụ, maltose dextrin để cung cấp thêm năng lượng, dùng cho những trẻ không nạp vào đủ nhu cầu tinh bột bằng khẩu phần hàng ngày, hoặc những trẻ bị hạ đường huyết, trẻ quá hiếu động bị tiêu hao nhiều năng lượng, trẻ kém hấp thu lactose…Còn MCT là 1 loại chất béo đặc biệt được hấp thu trực tiếp không cần sự hiện diện của muối mật, hấp thu nhanh, cung cấp nhiều năng lượng. MCT sẽ được ưu tiên sử dụng ở trẻ có bệnh lý gan mật, tụy, bệnh rối loạn hấp thu chất béo chuỗi dài, ở người có nhu cầu năng lượng cao và bệnh nhân có bệnh lý hô hấp hay thần kinh. Tât cả thuốc sử dụng đều có thể gây ra tác dụng phụ hay dung nạp không hoàn toàn. Do đó, khi có dấu hiệu bất thường, chị nên quay lại phòng khám, gặp bác sĩ lại để điều chỉnh cho phù hợp.
Con chị có cân nặng và chiều cao đạt chuẩn, tuy nhiên bác sĩ còn căn cứ vào tốc độ tăng trưởng của bé trong những tháng gần đó để quyết định có can thiệp hay không, vì ở trẻ nhỏ nếu tăng trưởng dừng lại là một dấu hiệu không tốt. Bé uống sữa tốt nhưng ăn hơi kém, do đó bác sĩ có thể giúp chị sử dụng thực phẩm hỗ trợ để pha thêm vào sữa, như vậy cháu nhận được đủ dưỡng chất để phát triển mà không bị ép ăn thêm, không phải kéo dài bữa ăn, tránh được sinh ra tình trạng biếng ăn do bị ép.
Chúc chị và bé luôn vui khỏe!